Blog
Sổ bảo hiểm xã hội là gì? Thủ tục làm sổ bảo hiểm xã hội mới
17:08 | 10/03/2025
Sổ bảo hiểm xã hội là một trong những giấy tờ quan trọng của người lao động khi tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH). Vậy cụ thể sổ bảo hiểm xã hội là gì, có những thông tin gì và thủ tục làm sổ mới ra sao? Cùng OPES tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.
1. Số bảo hiểm xã hội là gì? Có thể lấy sổ BHXH ở đâu?
Trước khi tìm hiểu về thủ tục làm sổ bảo hiểm xã hội, chúng ta cần hiểu rõ khái niệm sổ BHXH và các cách để lấy sổ khi cần thiết.
1.1. Giải thích khái niệm
Sổ bảo hiểm xã hội là tài liệu do cơ quan bảo hiểm xã hội cấp cho từng người lao động nhằm ghi nhận quá trình đóng và hưởng các chế độ BHXH theo quy định của pháp luật. Sổ BHXH có vai trò quan trọng, là căn cứ để người lao động nhận các quyền lợi bảo hiểm như lương hưu, trợ cấp thất nghiệp, chế độ thai sản, tai nạn lao động,…
Những thông tin chính trong sổ BHXH bao gồm:
-
Thời gian làm việc, tham gia bảo hiểm xã hội.
-
Mức đóng BHXH theo từng giai đoạn.
-
Quyền lợi bảo hiểm mà người lao động đã hưởng.
Mỗi người lao động chỉ được cấp một sổ BHXH duy nhất, có mã số riêng biệt, do cơ quan bảo hiểm xã hội cấp. Nếu bị mất, người lao động cần thực hiện thủ tục cấp lại theo quy định.

Sổ bảo hiểm xã hội là tài liệu do cơ quan bảo hiểm xã hội cấp cho từng người lao động
1.2. Cách lấy sổ BHXH
Theo quy định, mỗi người lao động chỉ được cấp một cuốn sổ bảo hiểm xã hội duy nhất. Tùy vào hình thức tham gia BHXH, bạn có thể nhận lại sổ BHXH theo các trường hợp sau:
Người lao động đang đi làm tại doanh nghiệp:
-
Nếu bạn là người lao động đang làm việc tại công ty, sổ BHXH sẽ do công ty giữ trong quá trình tham gia bảo hiểm.
-
Bạn có thể nhận lại sổ khi công ty đã hoàn tất thủ tục đóng BHXH cho bạn hoặc đến trực tiếp cơ quan bảo hiểm xã hội nơi công ty đóng BHXH để lấy sổ.
Người tham gia BHXH tự nguyện:
-
Nếu bạn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bạn có thể nhận sổ BHXH tại tổ chức dịch vụ thu BHXH hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội trực tiếp thu.
Người lao động đã nghỉ việc:
-
Nếu công ty cũ của bạn vẫn đang hoạt động, bạn có thể đến công ty để nhận lại sổ BHXH của mình.
-
Nếu công ty đã ngừng hoạt động hoặc giải thể, bạn cần liên hệ với cơ quan bảo hiểm xã hội nơi công ty đóng BHXH để nhận lại sổ.
Người lao động bị mất sổ BHXH:
-
Nếu bạn bị mất sổ BHXH và cần xin cấp lại, bạn phải chuẩn bị hồ sơ xin cấp lại sổ và nộp tại cơ quan bảo hiểm xã hội nơi mình tham gia bảo hiểm.
-
Nếu thông tin không thay đổi, bạn cũng có thể xin cấp lại sổ BHXH online thông qua ứng dụng VssID của BHXH Việt Nam.
2. Giải thích các thông tin trên sổ bảo hiểm xã hội
Sổ bảo hiểm xã hội (sổ BHXH) là một cuốn sổ giấy có nền màu xanh nhạt và trắng, bao gồm 4 trang bìa và các tờ rời ghi nhận quá trình tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động. Mỗi trang trong sổ đều chứa thông tin quan trọng, giúp cơ quan BHXH xác định quyền lợi của người tham gia. Dưới đây là chi tiết từng phần trong sổ BHXH:
Trang thứ nhất:
-
Ghi quốc hiệu, tiêu ngữ của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
-
Hiển thị lô gô của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (màu xanh).
-
Có ô trắng để điền thông tin: họ tên, số sổ, số lần cấp sổ.

Trang bìa của sổ BHXH
Trang thứ hai:
-
Ghi mã số định danh cá nhân.
-
Thông tin cá nhân của người tham gia, bao gồm: họ và tên đầy đủ, ngày tháng năm sinh, giới tính, quốc tịch và số căn cước công dân (CCCD) hoặc số chứng minh nhân dân (CMND).
Trang thứ ba: Ghi các chế độ bảo hiểm mà người tham gia đã hưởng, như:
-
Chế độ thai sản.
-
Chế độ tai nạn lao động.
-
Số quyết định, ngày hưởng các chế độ BHXH.
Trang thứ tư: Ghi những lưu ý quan trọng khi sử dụng sổ bảo hiểm xã hội.
Các tờ rời: Lưu lại toàn bộ quá trình đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.
3. Thủ tục làm sổ bảo hiểm xã hội mới
Trong trường hợp mất sổ bảo hiểm xã hội, người lao động có thể xin làm sổ bảo hiểm xã hội mới theo đúng quy định tại Khoản 1, Điều 27, Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2007 (sửa đổi bổ sung bởi Khoản 31, Điều 1, Quyết Định 505/QĐ-BHXH ngày 27/3/2020).
3.1. Hồ sơ xin cấp lại sổ BHXH
Để xin cấp lại sổ bảo hiểm xã hội khi bị mất, người lao động cần chuẩn bị hồ sơ gồm: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT theo Mẫu TK1-TS mới nhất.
Sau khi hoàn thiện hồ sơ, người lao động có thể lựa chọn một trong hai cách nộp hồ sơ trực tiếp hoặc nộp online.

Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
3.2. Thủ tục xin cấp lại sổ BHXH
Khi bị mất sổ BHXH, người lao động có thể lựa chọn một trong hai cách để xin cấp lại: nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan BHXH hoặc thực hiện thủ tục online qua VssID hoặc Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam. Tùy vào điều kiện cá nhân, người lao động có thể chọn phương thức phù hợp để tiết kiệm thời gian và công sức.
3.2.1. Xin cấp lại sổ bảo hiểm xã hội trực tiếp
Người lao động thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ: bao gồm Mẫu TK1-TS.
Bước 2: Nộp hồ sơ
-
Đối với người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp
Hồ sơ xin cấp lại sổ BHXH cần được nộp tại công ty nơi đang làm việc. Sau khi tiếp nhận, công ty sẽ thay mặt người lao động gửi hồ sơ đến cơ quan bảo hiểm xã hội nơi doanh nghiệp tham gia BHXH.
-
Đối với người tham gia BHXH tự nguyện
Hồ sơ có thể nộp tại đại lý thu BHXH hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội nơi người lao động đăng ký bảo hiểm. Người lao động có thể lựa chọn nộp trực tiếp hoặc gửi hồ sơ qua đường bưu điện để thuận tiện hơn.
Bước 3: Giải quyết hồ sơ
-
Cơ quan BHXH xem xét và cấp lại sổ trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ.
-
Nếu cần xác minh thời gian đóng BHXH ở nhiều đơn vị hoặc tỉnh khác, thời gian giải quyết tối đa 45 ngày, trong trường hợp này cơ quan BHXH sẽ có thông báo bằng văn bản.
3.2.2. Xin cấp lại sổ bảo hiểm xã hội online
Người lao động có thể xin cấp lại sổ BHXH trực tuyến qua ứng dụng VssID hoặc Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam.
Người lao động có thể thực hiện thủ tục cấp lại sổ BHXH một cách nhanh chóng và thuận tiện thông qua ứng dụng VssID theo các bước sau:
-
Đăng nhập ứng dụng VssID bằng tài khoản cá nhân.
-
Vào phần Dịch vụ công, chọn mục Cấp lại sổ BHXH không thay đổi thông tin.
-
Nhập địa chỉ người lao động muốn nhận kết quả, chọn nhận qua bưu điện, sau đó nhấn Gửi để hoàn tất.
Người lao động có thể thực hiện thủ tục cấp lại sổ BHXH một cách nhanh chóng thông qua ứng dụng VssID
Ngoài VssID, người lao động cũng có thể nộp hồ sơ xin cấp lại sổ BHXH trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công của BHXH Việt Nam, giúp tiết kiệm thời gian và công sức.
-
Truy cập vào Cổng dịch vụ công BHXH Việt Nam.
-
Đăng nhập bằng tài khoản cá nhân (tài khoản này cũng được dùng trên ứng dụng VssID).
-
Chọn mục Kê khai hồ sơ → Tìm chọn mã thủ tục 607a. Người lao động cũng có thể tìm trong phần tên dịch vụ công mục “Cấp lại sổ BHXH không thay đổi thông tin (Phải xác minh)”, đây là dịch vụ tương ứng với mã 607a ở trên.
-
Nhấn vào biểu tượng file tại mục Kê khai để điền Mẫu TK1-TS trực tuyến.
-
Điền đầy đủ và chính xác những thông tin được yêu cầu, chọn phương thức nhận kết quả (trực tiếp tại cơ quan BHXH hoặc qua bưu điện).
-
Nộp hồ sơ, nhập mã xác nhận và hoàn tất thủ tục.
Một số lưu ý khi xin cấp lại sổ BHXH online:
-
Cước phí dịch vụ bưu chính do người lao động tự thanh toán khi nhận sổ.
-
Cơ quan BHXH sẽ cập nhật quá trình xử lý hồ sơ và gửi kết quả qua email hoặc thông báo trên ứng dụng VssID.
4. Thủ tục xin điều chỉnh thông tin trên sổ BHXH
Theo Quyết định 222/QĐ-BHXH ban hành ngày 25/2/2021, người lao động có thể điều chỉnh thông tin trên sổ bảo hiểm xã hội trong các trường hợp như thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày tháng năm sinh, giới tính, quốc tịch. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết về hồ sơ, thủ tục và cách thực hiện.
4.1. Chuẩn bị hồ sơ
Người lao động cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ đầy đủ theo quy định để thực hiện điều chỉnh thông tin trên sổ bảo hiểm xã hội, bao gồm:
-
Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS) theo quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
-
Giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh do cơ quan có thẩm quyền về hộ tịch cấp theo quy định.
-
Thẻ CCCD/CMND/hộ chiếu.
4.2. Thủ tục thực hiện
Để giúp quá trình nộp hồ sơ BHXH diễn ra thuận lợi, dưới đây là hướng dẫn chi tiết các bước thực hiện theo đúng quy định.
Bước 1: Nộp Hồ Sơ Cho Đơn Vị Sử Dụng Lao Động, Đại Lý Thu Hoặc Cơ Quan BHXH
Tùy từng trường hợp, người lao động và người sử dụng lao động có thể nộp hồ sơ theo các phương thức khác nhau:
-
Đối với người lao động:
Nộp hồ sơ giấy trực tiếp tại cơ quan BHXH, Trung tâm Phục vụ Hành chính công (HCC) các cấp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính công ích. Nếu thực hiện giao dịch điện tử, người lao động cần đăng ký nhận mã xác thực và gửi hồ sơ điện tử đến Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam hoặc thông qua Tổ chức I-VAN.
-
Đối với người sử dụng lao động/đại lý thu:
Nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH thông qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc giao dịch điện tử. Nếu thực hiện giao dịch điện tử, cần lập hồ sơ bằng phần mềm kê khai của BHXH Việt Nam hoặc Tổ chức I-VAN, sau đó ký điện tử và gửi đến Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam hoặc qua Tổ chức I-VAN.

Người lao động và người sử dụng lao động có thể nộp hồ sơ theo các phương thức khác nhau
Bước 2: Cơ Quan BHXH Tiếp Nhận Hồ Sơ Và Giải Quyết Theo Quy Định
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan BHXH sẽ xử lý theo quy định.
Thời hạn giải quyết không quá 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Bước 3: Nhận Sổ BHXH
Người lao động sẽ nhận sổ BHXH sau khi hồ sơ được giải quyết.
Lệ phí: Miễn phí – không phải trả bất kỳ khoản phí nào khi nhận sổ BHXH.
Trường Hợp Điều Chỉnh Thông Tin Số CMND/Hộ Chiếu/CCCD
Ngoài ra, đối với trường Hợp Điều Chỉnh Thông Tin Số CMND/Hộ Chiếu/CCCD, người lao động chỉ cần thực hiện:
-
Lập Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, bảo hiểm y tế (Mẫu TK1-TS).
-
Nộp cho cơ quan BHXH, hệ thống sẽ tự động cập nhật và điều chỉnh thông tin trong cơ sở dữ liệu.
5. Thủ tục gộp sổ bảo hiểm xã hội
Người lao động có thể có nhiều sổ BHXH do chuyển đổi công việc. Trong trường hợp này, họ cần làm thủ tục gộp sổ.
5.1. Chuẩn bị hồ sơ
Trước khi làm thủ tục gộp sổ BHXH, người lao động cần kiểm tra thông tin cá nhân trên các sổ BHXH. Có hai trường hợp có thể xảy ra:
-
Trường hợp 1: Thông tin cá nhân trên các sổ BHXH không trùng khớp (họ tên, ngày sinh, giới tính, dân tộc, quốc tịch khác nhau). Người lao động cần làm hồ sơ điều chỉnh thông tin cá nhân để đảm bảo thông tin trên các sổ trùng khớp trước khi thực hiện thủ tục gộp sổ.
-
Trường hợp 2: Thông tin cá nhân hoàn toàn trùng khớp. Khi đó, người lao động tiếp tục kiểm tra quá trình đóng BHXH có khớp với thực tế không trước khi nộp hồ sơ gộp sổ.
Căn cứ theo Điều 27 Quyết định 595/QĐ-BHXH, hồ sơ làm thủ tục gộp sổ BHXH bao gồm:
-
Mẫu TK1-TS: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (dành cho người lao động).
-
Mẫu D01-TS: Bảng kê thông tin (dành cho doanh nghiệp).
-
Sổ BHXH: Toàn bộ các sổ mà người lao động đã có.
-
Đơn đề nghị cấp lại sổ BHXH (đối với người lao động).
5.2. Thủ tục thực hiện
Bước 1: Nộp hồ sơ
Người lao động nộp hồ sơ cho đơn vị sử dụng lao động nơi đang làm việc hoặc có thể tự nộp trực tiếp cho cơ quan BHXH cấp quận/huyện nơi đang tham gia BHXH.
Bước 2: Cơ quan BHXH tiếp nhận và giải quyết hồ sơ
-
Trong vòng không quá 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan BHXH sẽ xử lý và cấp sổ BHXH mới cho người lao động.
-
Nếu cần xác minh quá trình đóng BHXH tại các tỉnh khác nhau hoặc tại nhiều đơn vị, thời gian giải quyết có thể kéo dài không quá 45 ngày. Trong trường hợp này, cơ quan BHXH sẽ có văn bản thông báo cho người lao động biết.

Người lao động có thể tự nộp trực tiếp cho cơ quan BHXH cấp quận/huyện nơi đang tham gia BHXH
6. Một số câu hỏi thường gặp
Dưới đây là những thắc mắc phổ biến mà nhiều người lao động quan tâm khi sử dụng sổ bảo hiểm xã hội.
6.1. Ai là người giữ sổ bảo hiểm xã hội?
Theo Khoản 2, Điều 18, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động có quyền tự quản lý sổ BHXH. Điều này giúp họ dễ dàng theo dõi thông tin đóng BHXH và chủ động kiểm tra dữ liệu để đảm bảo quyền lợi của mình.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người lao động có thể ủy quyền cho doanh nghiệp giữ sổ để thuận tiện trong việc làm thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm. Dù vậy, người lao động vẫn có thể yêu cầu đối chiếu, kiểm tra thông tin bất cứ lúc nào để đảm bảo chính xác.
6.2. Sổ bảo hiểm xã hội được cấp mấy lần?
Theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014, mỗi người lao động chỉ được cấp một sổ BHXH duy nhất, tương ứng với một mã số BHXH.
Pháp luật không giới hạn số lần cấp sổ BHXH nhưng có quy định về việc cấp sổ mới và cấp lại sổ trong một số trường hợp sau:
-
Cấp sổ BHXH mới cho người lao động tham gia BHXH lần đầu.
-
Cấp lại toàn bộ sổ BHXH (bao gồm bìa và tờ rời) khi sổ bị mất, hỏng hoặc người lao động cần gộp sổ BHXH.
-
Cấp lại bìa sổ BHXH khi có sai sót về giới tính, quốc tịch.
-
Cấp lại tờ rời sổ BHXH khi tờ rời bị mất hoặc hỏng.
-
Cấp lại sổ BHXH khi có thay đổi về thông tin cá nhân như họ, tên, chữ đệm, ngày tháng năm sinh hoặc khi người lao động đã hưởng BHXH một lần nhưng còn thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) chưa hưởng.
Pháp luật không giới hạn số lần cấp sổ BHXH nhưng có quy định về việc cấp sổ mới
6.3. Có được tự sửa thông tin trên sổ BHXH không?
Người lao động không được tự ý sửa đổi hoặc thay đổi thông tin ghi trên sổ bảo hiểm xã hội. Nếu phát hiện sai sót, cần thực hiện thủ tục điều chỉnh thông tin theo quy định.
Nếu người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, có thể ủy quyền cho người sử dụng lao động thực hiện thủ tục điều chỉnh thông tin và thu hồi sổ BHXH. Trường hợp người lao động tự làm thủ tục, cần liên hệ trực tiếp với cơ quan BHXH nơi tham gia bảo hiểm để được hướng dẫn điều chỉnh.
Lưu ý, nếu cá nhân cố tình sửa chữa, làm sai lệch thông tin trên sổ BHXH, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội từ 1 đến 2 triệu đồng, theo quy định tại Điều 39, Nghị định 28/2020/NĐ-CP.
7. Sổ bảo hiểm xã hội điện tử là gì? Cách đăng ký
Sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) điện tử là một phương thức giao dịch bảo hiểm xã hội trực tuyến thông qua các nền tảng kỹ thuật số, giúp người lao động và doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính nhanh chóng, tiện lợi hơn
7.1. Sổ BHXH điện tử là gì?
Bảo hiểm xã hội điện tử là hình thức quản lý BHXH trực tuyến, cho phép cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các giao dịch BHXH với cơ quan BHXH thông qua các nền tảng số như:
-
Phần mềm BHXH do các tổ chức IVAN cung cấp.
-
Ứng dụng Bảo hiểm xã hội số VssID.
-
Cổng Dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
-
Chức năng tra cứu trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam.
Các giao dịch BHXH điện tử phổ biến bao gồm: đăng ký tham gia BHXH, kê khai và nộp hồ sơ BHXH, cấp sổ BHXH và thẻ BHYT, đóng tiền BHXH, BHYT, giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BHTN, tra cứu và trao đổi thông tin với cơ quan BHXH.
Việc sử dụng BHXH điện tử giúp giảm thời gian, tiết kiệm chi phí đi lại và hạn chế thủ tục giấy tờ phức tạp.
7.2. Các bước đăng ký sổ BHXH điện tử
Sau khi hiểu rõ về sổ bảo hiểm xã hội điện tử, người lao động có thể thực hiện đăng ký một cách dễ dàng để theo dõi thông tin BHXH trực tuyến.
Đăng ký BHXH điện tử cho cá nhân
Cá nhân có thể đăng ký BHXH điện tử qua hai phương thức phổ biến:
Cách 1: Đăng ký qua ứng dụng VssID
-
Tải và cài đặt ứng dụng VssID trên điện thoại.
-
Mở ứng dụng và chọn "Đăng ký tài khoản".
-
Nhập thông tin cá nhân như mã số BHXH, họ tên, số CCCD/CMND, địa chỉ liên hệ, số điện thoại.
-
Chụp hoặc tải lên ảnh cá nhân và ảnh mặt trước, mặt sau của CCCD/CMND.
-
Chọn cơ quan BHXH tiếp nhận gần nhất.
-
Gửi tờ khai điện tử và chờ cơ quan BHXH xác nhận.
Sau khi đăng ký thành công, cơ quan BHXH sẽ gửi tài khoản và mật khẩu qua email để đăng nhập vào VssID.
Cách 2: Đăng ký qua Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam
-
Truy cập vào Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam tại dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn. (nofollow)
-
Chọn "Đăng ký" và chọn đối tượng đăng ký là "Cá nhân".
-
Nhập thông tin cá nhân gồm mã số BHXH, họ tên, số CCCD/CMND, địa chỉ liên hệ, số điện thoại, email.
-
Gửi tờ khai và hoàn tất đăng ký.
Tài khoản đăng ký trên Cổng Dịch vụ công có thể được sử dụng để đăng nhập VssID và ngược lại.
Người lao động có thể thực hiện đăng ký một cách dễ dàng để theo dõi thông tin BHXH trực tuyến
Đăng ký BHXH điện tử cho doanh nghiệp
Doanh nghiệp có thể thực hiện đăng ký BHXH điện tử qua phần mềm BHXH do các tổ chức IVAN cung cấp hoặc Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam. Các bước thực hiện gồm:
-
Đăng ký tài khoản giao dịch điện tử tại Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam hoặc phần mềm IVAN.
-
Kê khai đầy đủ thông tin doanh nghiệp và người đại diện.
-
Gửi hồ sơ điện tử đến cơ quan BHXH để xác thực.
-
Nhận tài khoản truy cập và sử dụng các dịch vụ BHXH điện tử.
Việc đăng ký BHXH điện tử giúp doanh nghiệp dễ dàng thực hiện các thủ tục liên quan đến BHXH cho người lao động, giảm thiểu công việc giấy tờ và nâng cao hiệu suất quản lý.
Các bài viết liên quan:
Sổ bảo hiểm xã hội là giấy tờ quan trọng giúp người lao động đảm bảo đầy đủ quyền lợi bảo hiểm, ghi nhận quá trình tham gia và hưởng các chế độ BHXH theo quy định. Qua bài viết này, Bảo hiểm OPES hy vọng đã giúp bạn hiểu rõ hơn về thủ tục xin cấp lại sổ bảo hiểm xã hội cũng như cách điều chỉnh thông tin trên sổ BHXH nhanh chóng và chính xác.
Bài viết liên quan